pin_mat_troi_toa_nha_lien_hiep_quoc_THDG

Điện mặt trời vẫn chờ giá

Tòa nhà Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội sử dụng pin năng lượng mặt trời /// Ảnh: SolarBK
Tòa nhà Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội sử dụng pin năng lượng mặt trời
Nhiều chuyên gia cho rằng chỉ cần tạo ra thị trường thông thoáng thì chi phí đầu tư, giá thành sản xuất điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo sẽ giảm. Đó chính là cách xã hội hóa tốt và nhanh nhất.
Bài toán kinh tế từ hộ gia đình
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), cho rằng nếu gỡ được nút thắt về cơ chế mua bán linh hoạt giữa nhà cung cấp điện với người dân và có chính sách giá, phong trào điện mặt trời sẽ phát triển mạnh mẽ.
Là người trực tiếp sử dụng năng lượng mặt trời, TS Tuấn cho biết trung bình mỗi tháng gia đình ông có thể tiết kiệm tiền điện hơn 1,5 triệu đồng. Cụ thể, cuối năm 2016, TS Tuấn lắp 12 tấm pin mặt trời trên nóc nhà với tổng diện tích 24 m2, tổng chi phí 130 triệu đồng. Năm 2015, mức giá cho cùng đơn vị diện tích và thiết bị lên đến 250 – 260 triệu đồng.
Như vậy chi phí đầu tư điện mặt trời chỉ trong 1 năm đã giảm đến 1/2.tháng lắp đặt điện mặt trời  này số tiền phải trả cho ngành điện chỉ còn khoảng hơn 800.000 đồng. Tính ra ít nhất mỗi tháng gia đình ông tiết kiệm được 1,5 triệu đồng.
Ông nhẩm tính, nếu đem 130 triệu đồng tiền nhàn rỗi này gửi vào ngân hàng với mức lãi suất cao nhất là 7,5%/năm, mỗi năm lãi khoảng chục triệu đồng, chưa tính chi phí trượt giá, lạm phát. Trong khi đó nếu đầu tư vào hệ thống điện mặt trời mỗi năm có thể “lời” khoảng 18 – 20 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với gửi ngân hàng. Sau khoảng 7 năm ông sẽ hoàn vốn đầu tư và từ năm thứ 8 đến 25 sẽ thu lãi ròng.
Theo TS Tuấn, trong ngày, thời điểm từ 10 giờ 30 đến 14 giờ 30 hệ thống sản xuất ra nhiều điện nhất và có thể sử dụng kéo dài đến 21 – 22 giờ.
Vào thời điểm nguồn điện mạnh nhất, lượng điện sản xuất ra sử dụng không hết, phải “bán” cho lưới điện với giá 0 đồng. Để sử dụng nguồn điện hiệu quả, ông đã tự sắp xếp lại bằng cách sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng vào giờ cao điểm.
Ông còn kêu gọi học sinh, hàng xóm có sử dụng các thiết bị điện di động như xe đạp điện mang sang nhà ông sạc miễn phí. “Một lợi ích vô hình của điện mặt trời là khi lắp tấm pin này trên nóc, nhà mát hơn rất nhiều và lại tiết kiệm được điện trong việc sử dụng các thiết bị làm mát”, TS Tuấn chia sẻ.
Phải tạo ra thị trường
PGS-TS Lê Anh Tuấn cho rằng, ở các nước như: Đức, Mỹ, Úc… rất khuyến khích các mô hình sản xuất điện quy mô hộ gia đình như thế này và đây là một cách xã hội hóa rất hiệu quả, vừa tăng nguồn cung điện vừa giảm áp lực sử dụng điện.
Xã hội hóa không chỉ gói gọn trong cách hiểu mở rộng từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân, FDI.
Nếu nhà nước có chính sách xã hội hóa rộng hơn, cơ chế mua điện trong dân, người dân sẽ không tốn tiền đầu tư thiết bị tích điện và lúc đó chi phí đầu tư cho điện mặt trời còn rẻ hơn rất nhiều.
Trong một nghiên cứu của Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh (GreenID), chi phí công nghệ điện mặt trời và điện gió đã giảm rất mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2009 – 2015, chi phí điện gió giảm 14%, từ mức 96 USD/MWh xuống còn 83 USD/MWh; điện mặt trời giảm đến 61%, từ 315 USD/MWh xuống còn 122 USD/MWh.
Năm 2016, chi phí điện gió tiếp tục giảm xuống chỉ còn 40 – 50 USD/MWh, điện mặt trời là 50 – 70 USD/MWh. “Điện mặt trời và năng lượng tái tạo nói chung đang ngày càng rẻ hơn và mức giảm rất mạnh. Nó không đắt đỏ hay chỉ là công nghệ của các nước giàu như nhiều người lầm tưởng”, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, nói.
Cũng theo bà Khanh, trước đây nước Đức có đến 4 nhà cung cấp điện nhưng họ có chính sách phát triển năng lượng tái tạo, khuyến khích sản xuất điện mặt trời quy mô hộ gia đình. Từ đó họ tạo ra hàng ngàn nhà cung cấp điện khác nhau.
Thị trường càng minh bạch, cạnh tranh thì giá thành càng rẻ. “Hiện nay chi phí sản xuất năng lượng tái tạo của VN cao hơn các nước trong khu vực và thế giới vì chúng ta không có thị trường.
Nếu chúng ta có thị trường, có cạnh tranh, chi phí sản xuất cũng sẽ thấp xuống rất nhanh. Nếu bây giờ chúng ta không tạo ra thị trường chúng ta sẽ mất cơ hội phát triển năng lượng mặt trời ”, bà Khanh khuyến nghị.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng VN trước giờ cứ loay hoay với ngành điện làm sao để họ huy động được thêm nhiều vốn nhằm mở rộng công suất, thị trường hóa như thế nào…, nhưng đến nay chưa có đột phá.
“Tôi thấy cách nhà nước đang làm là chia EVN thành các công ty nhỏ hơn, tách dần ra, phụ trách từng vùng… là một cách để ngành điện hoạt động linh hoạt hơn. Hiện nay chính sách cũng đã mở hơn, một số nhà đầu tư nhỏ cung cấp cho khu công nghiệp nọ kia nhưng chừng đó là chưa đủ, vì ngoài những nhà đầu tư đó thì các nhà đầu tư khác lại đang gặp nhiều khó khăn. Nên tạo cạnh tranh cả trong bán chứ không chỉ có trong mua.
Một ông mua duy nhất và ông ấy cũng là người bán duy nhất thì rất khó cho toàn xã hội, phải có sự kết hợp. Đó cũng là làm giảm gánh nặng cho EVN”, bà Lan nói.
Bài viết tương tự