Tham khảo một số dự án chung cư cao cấp của Novaland tại quận 4 Tp.HCM

Không có "bong bóng" bất động sản trong năm 2018?

Với những diễn biến thất thường từ đầu năm đến nay, không ít chuyên gia bất động sản lo ngại thị trường bất động sản sẽ tái diễn hiện tượng “bong bóng”. Tuy nhiên mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định không có khả năng xảy ra “bong bóng” bất động sản trong năm 2018.

Không lo “bong bóng”

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA viện dẫn cho nhận định này là do có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước. Các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều kinh nghiệm về việc sử dụng công cụ thuế, tín dụng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư để điều tiết thị trường bất động sản ngay khi vừa xuất hiện dấu hiệu “bong bóng”. Các doanh nghiệp bất động sản cũng nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường, trong khi các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng tỉnh táo, am hiểu thị trường hơn.

Gần đây, một chuyên gia kinh tế khi tham gia “Diễn đàn Thị trường bất động sản 2018: Tác động từ chính sách” đã phân tích hiện thị trường có 8/10 dấu hiệu của bong bóng bất động sản, như giao dịch, giá cả, số lượng các công trình khởi công, địa bàn triển khai, chủ thể tham gia thị trường, quy mô, giá trị dự án, nguồn tiền vào các bất động sản tăng. Còn 2 dấu hiệu nữa, nếu xảy ra sẽ xuất hiện khủng hoảng như giai đoạn năm 2007 đến đầu năm 2008 là đầu tư công và nguồn vốn đổ vào xây dựng công trình bất động sản tăng. Song, 2 yếu tố này đang bị “ghìm cương”.

Theo phân tích của HoREA, cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản hơn 10 năm trước bắt nguồn từ chính sách nới lỏng tín dụng, thậm chí cho vay dưới chuẩn, thể hiện tăng trưởng tín dụng năm 2007 lên đến hơn 37%, trong đó một phần không nhỏ đổ vào bất động sản, bên cạnh đó là nguồn vốn lớn trong dân cũng đổ vào đầu tư, kinh doanh bất động sản. Có tình trạng các ngân hàng thương mại không kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vay tín dụng mà lẽ ra phải được sử dụng đúng mục đích.

Rồi sự phát triển lệch pha cung cầu sản phẩm trên thị trường, chủ yếu là phát triển nóng ở phân khúc bất động sản cao cấp. Thêm nữa, thị trường xuất hiện nhiều nhà đầu tư bất động sản thứ cấp, môi giới, cò đất, cò nhà đi đôi với các đợt sóng tăng giá bất động sản với tần số chóng mặt, và giới đầu cơ chuyên nghiệp “cầm trịch” làm giá, thổi giá, tạo sóng, lướt sóng, đẩy giá ảo rất cao so với giá trị thực để kiếm lợi nhanh, kích thích tâm lý đầu tư “bầy đàn”. Tuy nhiên, các yếu tố này hiện đang được kiểm soát chặt chẽ.

Vậy điều gì trên thị trường bất động sản cần quan tâm? Người đứng đầu HoREA nhấn mạnh, hiện có 2 nhân tố cần được tiếp tục quan tâm để quản lý, kiểm soát thị trường bất động sản.

Cụ thể, thị trường còn tình trạng lệch pha cung cầu trong phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng (condotel) và “sốt giá ảo” đất nền, đất nông nghiệp tại một số khu vực. Đồng thời cũng xuất hiện nhiều nhà đầu tư thứ cấp, trong đó có cả giới đầu cơ, đầu nậu, cò đất chuyên nghiệp làm giá, đẩy giá ảo đất nền, đất nông nghiệp rất cao so với giá trị thực để trục lợi.

Song, 2 yếu tố ấy chỉ phản ánh một phần thị trường bất động sản và chỉ có thể tạo ra các cơn sốt giá ảo cục bộ, nhất thời ở một số phân khúc chứ không thể gây ra “bong bóng” trên toàn bộ thị trường.

Làm sao để biết “nóng” hay “sốt ảo”?

Nói về tình hình bất động sản trong thời gian gần đây, chuyên gia Bùi Quang Tín cho rằng, tại một số khu vực như quận 2, quận 9 (TP.HCM), giá bất động sản có hiện tượng tăng nóng, nhưng nguy cơ rơi vào khủng hoảng như những năm trước đây khó xảy ra, do cơ quan quản lý nhà nước đã can thiệp khá kịp thời nhằm chấn chỉnh thị trường.

Chẳng hạn, với tình trạng sốt đất ở Phú Quốc trước khi có thể trở thành đặc khu kinh tế, UBND tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu huyện Phú Quốc tạm ngưng cho tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất cho đến khi Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được thông qua.

Theo ông Tín, việc xác lập giá một bất động sản ở góc độ kinh tế học được nhìn nhận ở 4 yếu tố:

Thứ nhất là giá trị thị trường của bất động sản (bao gồm chi phí xác lập tài sản, chi phí marketing, chi phí quản lý). Trong kinh tế học, giá trị này được đo bằng giá trị thu nhập xã hội. Tốc độ tăng bình quân hằng năm của giá trị thu nhập xã hội từ 10 – 15% sau khi đã trừ chi phí. Nếu một bất động sản có mức tăng giá cao hơn tỷ lệ này được tạm gọi là nóng. Còn tăng giá ảo, hay sốt ảo là do mức giá được xác lập dựa trên thông tin không thực tế, tin đồn thổi không xác thực với quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước nhằm đẩy nguồn cung ra. Vừa qua, ở một số khu vực, cụ thể là ở địa phương dự định xây dựng đặc khu kinh tế.

Thứ hai là giá trị một bất động sản liên quan đến lượng cung tiền của nền kinh tế. Nếu trong năm, nguồn cung tiền lớn, nền kinh tế sẽ đối mặt nguy cơ lạm phát cao, khi đó, giá bất động sản tăng.

Thứ ba là cung cầu bất động sản. Nhu cầu bất động sản thời gian qua lớn, cung chậm thì giá bất động sản bị đẩy lên.

Thứ tư là yếu tố cạnh tranh. Khi các công ty cạnh tranh, giá thường có chiều hướng đi xuống. Song, thời gian qua, có cạnh tranh nhưng giá bất động sản lại tăng vì cung gặp phải lượng cầu quá lớn. Thêm nữa, về phía ngân hàng cũng đã có những động thái để hạn chế tín dụng đổ vào bất động sản nên sẽ rất khó xảy ra tình trạng thị trường bất động sản đổ vỡ như năm 2007, đầu 2008.

Nguồn: https://muaban-canho.com/

Bài viết tương tự